Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy; tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
ThS. Đỗ Văn Đại
Chánh án TAND thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh
I. Những quy định của pháp luật hình sự Việt Nam đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy; tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
Tại kỳ họp thứ 9 (ngày 27/6/1985) Quốc hội khóa VII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật hình sự năm 1985 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1986. Trong Bộ luật này, tội tổ chức dùng chất ma túy lần đầu tiên được quy định tại Điều 203, Chương VIII “Các tội phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính”.
Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1985 ra đời đánh dấu sự phát triển trong kỹ thuật lập pháp ở trình độ cao cũng như việc hoàn thiện chính sách hình sự đối với các loại tội phạm nói chung và đối với các tội phạm về ma túy nói riêng của Nhà nước ta so với các giai đoạn trước đó. Lần đầu tiên tội tổ chức dùng chất ma túy được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985 và đây cũng là điều luật duy nhất quy định một cách độc lập về tội phạm ma túy không phải trong chương các tội phạm về ma túy. Các hành vi khác như sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy chưa được quy định thành một điều luật cụ thể, mà chỉ quy định với tư cách là một trong những hành vi của tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 97 BLHS năm 1985) hoặc tội buôn bán hàng cấm (Điều 166 BLHS năm 1985) đồng thời người phạm tội có thể bị truy tố, xét xử theo các tội phạm nói trên.
Sau một thời gian áp dụng BLHS năm 1985 trên thực tế, do sự chuyển biến của tình hình nên nhiều quy dịnh của BLHS này đã tỏ ra không còn phù hợp, do đó việc sửa đổi BLHS năm 1985 là một đòi hỏi từ thực tế khách quan. Ngày 28/12/1989, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi một số điều của BLHS năm 1985, trong đó tách một số hành vi liên quan đến ma túy thành một tội phạm độc lập và quy định trong một số điều riêng, như vậy đến thời điểm này tội phạm về ma túy được quy định thành hai tội, ở hai chương khác nhau, tội “tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy” (Điều 96a) quy định tại tại mục B, Chương I các tội xâm phạm an ninh quốc gia và “tội tổ chức dùng chất ma túy” Điều 203 quy định tại Mục B Chương VIII các tội xâm phạm an toàn trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính.
Thông tư liên ngành số 09/TTLN ngày 10/10/1996 của Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải thích cụ thể nội dung hành vi sử dụng ma túy là hành vi rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, môi giới, mua chuộc, khống chế, chứa chấp, tạo địa điểm, phương tiện để tiến hành đưa chất ma túy vào cơ thể người khác hoặc giúp người khác sử dụng chất ma túy trái với quy định của Nhà nước. Như vậy hành vi tổ chức sử dụng chất ma túy được hiểu bao gồm nhiều loại hành vi cụ thể khác nhau.
Trong lần sửa đổi, bổ sung lần thứ tư ngày 10/5/1997, Bộ luật hình sự năm 1985 đã được bổ sung một chương quy định các tội phạm về ma túy để thay thế cho Điều 96a và Điều 203. Đó là Chương VIIA trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Chương này gồm 14 điều, quy định 13 tội danh, trong đó:
- Tội chứa chất việc sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 185k;
- Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 185m;
- Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 185i.
Để thống nhất áp dụng pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm về ma túy, ngày 02/01/1998, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương VIIA “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1985. Thông tư đã hướng dẫn về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 185i là hành vi chuẩn bị địa điểm (như thuê địa điểm, mượn địa điểm) cho việc sử dụng trái phép ma túy, hành vi chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ cho việc sử dụng trái phép ma túy, hành vi đưa chất ma túy vào cơ thể người khác với mục đích vụ lợi…
Mặc dù Thông tư liên tịch số 01/TTLT năm 1998 đã đưa ra cơ sở phân biệt tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với một số tội phạm khác về ma túy. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc phát sinh đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể hơn. Vì vậy Thông tư số 02/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA ban hành ngày 05/8/1998 đã có hướng dẫn cụ thể hơn về các hành vi được coi là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Để đáp ứng đòi hỏi khách quan của đất nước trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ngày 21/12/1999, BLHS năm 1999 được ban hành, trong đó quy định các tội phạm về ma túy tại Chương XVIII bao gồm 10 tội, từ Điều 192 đến Điều 201. Trong đó tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 198); tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 200) BLHS năm 1999.
Ngày 17/4/2003, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2003/HĐTP hướng dẫn áp dụng đúng và thống nhất các quy định của BLHS năm 1999. Tại điểm đ,e phần II của Nghị quyết hướng dẫn về trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện tội phạm về ma túy trong một số trường hợp cụ thể sau:
đ. Người nào nghiện ma tuý cho người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý.
e. Người nào bán trái phép chất ma tuý cho người khác và còn cho họ sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình để họ sử dụng trái phép chất ma tuý, thì ngoài tội mua bán trái phép chất ma tuý, người đó còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý.
Ngày 24/12/2007, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999. Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa X đã thông qua Luật phòng chống ma túy, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2001 đây là đạo luật đầu tiên về phòng chống ma túy, tạo cơ sở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma túy có hiệu quả hơn. Tại khoản 3 Điều 3 Luật phòng chống ma túy quy định “Nghiêm cấm hành vi sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Ngày 19/6/2009, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII đã thông qua sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 1999 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010 nhằm hoàn thiện pháp luật hình sự. Tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật này còn 09 điều luật, quy định 09 tội danh; Tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 199) đã được bãi bỏ.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế thực tiễn đã phát sinh nhiều mối quan hệ xã hội và hành vi nguy hiểm mới mà Bộ luật hình sự hiện hành chưa cập nhật được, để BLHS ngày càng phát huy với tư cách là công cụ hữu hiệu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và các tội phạm về ma túy nói riêng. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 27/11/2015 đã thông qua Bộ luật hình sự số 100⁄2015⁄QH13; đã được Quốc hội khóa 14 sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12⁄2017⁄QH14 thông qua ngày 20⁄6⁄2017 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự 2015) có hiệu lực thi hành từ ngày 01⁄01⁄2018. Các tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XX từ Điều 247 đến Điều 259, bao gồm 13 điều luật với 09 tội danh được quy định trong BLHS năm 1999. Trong đó, “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” (Điều 194 BLHS năm 1999” được tách thành 04 tội danh (từ Điều 249 đến Điều 252 BLHS năm 2015); “Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 200 BLHS năm 1999) được tách thành hai tội (Điều 257, Điều 258 BLHS năm 2015). Với việc tách tội danh như vậy, BLHS năm 2015 có điều kiện mô tả cụ thể hơn các hành vi phạm tội, thể hiện rõ hơn sự phân hóa trách nhiệm hình sự cũng như giảm bớt số tội phạm về ma túy có hình phạt tử hình được quy định. Theo BLHS năm 1999, hình phạt tử hình được quy định đối với bốn hành vi phạm tội (Điều 194) còn theo BLHS năm 2015, hình phạt này quy định đối với hai loại hành vi phạm tội tương ứng với hai tội danh là tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) và tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy; tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại các Điều 255, 256, 257, 258 Bộ luật hình sự năm 2015:
1. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255)
Theo khoản 1 của điều luật, tội tổ chức sử dụng trái phép chất mat túy có các dấu hiệu pháp lý sau:
* Dấu hiệu chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là chủ thể thường, theo quy định của Điều 12 BLHS là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS.
* Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm: Theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 và theo tôi thì hướng dẫn của Thông tư số 17/2007 này vẫn có thể được sử dụng để hướng dẫn áp dụng Điều 255 BLHS năm 2015 vì tính khoa học và hợp lý của nó. Như vậy, hành vi khách quan của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bao gồm một trong các hành vi sau đây:
Đó là hành vi chỉ huy, phân công, điều hành hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác hoặc hành vi chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng trái phép chất ma túy.
Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có thể được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào. Có thể dưới hình thức giản đơn như tập hợp, dẫn dắt người khác đến hút, hít hoặc tiêm chích chất ma túy hoặc dưới hình thức tinh vi như thành lập tụ điểm, tổ chức người canh gác, người dẫn mối, cung cấp các công cụ, phương tiện tiêm chích, hút, hít chất ma túy…
Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có thể được thực hiện ở bất cứ nơi nào, có thể ở nhiều địa điểm khác nhau hoặc ở một nơi cố định như: thuê, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý...để sử dụng ma tuý và đưa ma tuý vào cơ thể người khác. Muốn sử dụng trái phép chất ma tuý thì phải có địa điểm. Tuy nhiên địa điểm để sử dụng trái phép chất ma tuý cũng đa dạng như địa điểm có thể là những điểm tĩnh như: nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học, khách sạn, nhà hàng, quán nước, vườn cây, chòi cá…nhưng cũng có thể trên các phương tiện giao thông như: máy bay, tầu thuỷ, tầu hoả, ô tô, thuyền, bè…Trong các địa điểm trên, có loại thuộc quyền quản lý của Nhà nước, của tập thể, của tổ chức… nhưng có loại thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của cá nhân.
Người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như cho người khác hút, hít chất ma túy để họ quen và có nhu cầu hút, hít chất ma túy hoặc cho người khác hút, hít chất ma túy nợ tiền…
Nguồn ma tuý để sử dụng: Đây là trường hợp người phạm tội có chất ma tuý dưới bất kỳ nguồn nào như: mua được, xin được, được cho, được gửi giữ, nhặt được…rồi đem chất ma tuý đó cung cấp cho người khác để họ sử dụng trái phép. Nếu bán chất ma tuý đó cho người khác để họ sử dụng trái phép thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý.
Theo hướng dẫn tại điểm a,b tiết 6.2 mục 6 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 thì khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng cần phân biệt như sau:
a. Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy;
b. Người nào thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà còn thực hiện một hay nhiều hành vi phạm tội khác về ma túy quy định tại các điều luật tương ứng của BLHS, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 của BLHS, tùy từng trường hợp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác đã thực hiện quy định tại điều luật tương ứng của BLHS.
* Dấu hiệu khách thể của tội phạm: Tội phạm đã xâm phạm chế độ độc quyền của Nhà nước ta về quản lý, sử dụng chất ma túy. Ngoài ra, tội phạm còn xâm hại trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người và lan tràn tệ nạn nghiện ma túy.
Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người sử dụng chất ma túy. Tuy nhiên, người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là nạn nhân mà ngược lại họ là người chủ động sử dụng ma tuý.
* Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý. Tức là người phạm tội biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy được trước các tác hại của việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện. Như vậy, hành vi chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, không tồn tại trường hợp nào do lỗi cố ý gián tiếp. Mục đích của người phạm tội là mong muốn đưa chất ma túy vào cơ thể người khác với nhiều cách và mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là vì mục đích vụ lợi. Đây là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Tức là các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh mục đích của người phạm tội. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội là mong muốn đưa chất ma tuý vào cơ thể của người khác thì không phải là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, mà tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, tội mua bán trái phép chất ma tuý...hoặc xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.
Hình phạt: Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định 4 khung hình phạt:
+ Khoản 1: Quy định khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với trường hợp phạm tội không có tình tiết tăng nặng.
+ Khoản 2: Quy định khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
- Phạm tội 02 lần trở lên: Đây là trường hợp người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ít nhất 02 lần nhưng chưa bị truy tố, xét xử trong các lần phạm tội.
- Đối với 02 người trở lên: Đây là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với 02 người trở lên.
- Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi: Là người phạm tội đã thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi. Xác định tuổi, căn cứ vào giấy khai sinh của nạn nhân.
- Đối với phụ nữ biết là có thai: Là người phạm tội đã thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với phụ nữ mà biết là có thai. Để có căn cứ chứng minh là phụ nữ đang có thai thì phải căn cứ vào kết luận của bác sỹ bệnh viện.
- Đối với người đang cai nghiện: Là trường hợp phạm tội đối với người mà người đó đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận họ nghiện ma túy và đang được cai nghiện tại trung tâm cai nghiện, tại gia đình hoặc tại cộng đồng dân cư (điểm a tiết 6.3 mục 6 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007).
- Gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%: Đây là trường hợp người sử dụng chất ma túy do được tổ chức sử dụng trái phép đã bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% (vì trên mức này sẽ thuộc trường hợp được quy định tại khoản 3 của điều luật). Căn cứ vào kết luận giám định thương tật của cơ quan giám định có thẩm quyền.
- Gây bệnh nguy hiểm cho người khác: Đây là trường hợp người sử dụng chất ma túy do được tổ chức sử dụng trái phép đã bị mắc một số bệnh nguy hiểm được truyền qua đường máu, đường hô hấp. Như việc hút, hít, tiêm chích ma túy dễ lây lan các bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, viêm gan B, lao, COVID-19…và việc mắc bệnh này được coi là do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gây ra.
- Tái phạm nguy hiểm: Là trường hợp người phạm tội trước đây đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý chưa được xóa án tích mà lại phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Hoặc đã tái phạm chưa được xóa án tích lại phạm tội này (theo quy định tại Điều 53 Bộ luật hình sự).
+ Khoản 3: Quy định khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm được áp dụng đối với người phạm tội thuộc các trường hợp sau:
- Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người: Là trường hợp người sử dụng ma túy do được tổ chức sử dụng trái phép đã bị tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc bị chết.
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%: Đây là trường hợp có ít nhất 02 người sử dụng ma túy do được tổ chức sử dụng trái phép đã bị tổn thương cơ thể với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% (trên mức này thuộc khoản 4 của điều luật).
- Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên: Là trường hợp có ít nhất 02 người sử dụng chất ma túy do được tổ chức sử dụng trái phép đã bị mắc bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, viêm gan vi rút B, lao, COVID-19…và việc mắc bệnh này được coi là do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gây ra.
- Đối với người dưới 13 tuổi: Đây là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với người dưới 13 tuổi. Xác định tuổi, căn cứ vào giấy khai sinh của nạn nhân.
+ Khoản 4: Quy định khung hình phạt tăng nặng thứ 3 là phạt tù từ 20 năm hoặc chung thân được áp dụng cho trường hợp có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:
- Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên: Đây là trường hợp có ít nhất 02 người sử dụng chất ma túy do được tổ chức sử dụng trái phép bị tổn thương cơ thể với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người ít nhất 61%.
- Làm chết 02 người trở lên: Đây là trường hợp có ít nhất 02 người sử dụng chất ma túy do được tổ chức sử dụng trái phép bị chết.
+ Khoản 5: Hình phạt bổ sung: Quy định hình phạt bổ sung có thể áp dụng là: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội.
2. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256)
Theo khoản 1 của điều luật, tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy có các dấu hiệu pháp lý sau:
* Dấu hiệu chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là chủ thể thường, theo quy định của Điều 12 BLHS là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS.
* Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm: Tại mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 hướng dẫn về hành vi khách quan của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy bao gồm:
+ Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy: là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc cho thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy.
+ Có bất cứ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy: Là trường hợp người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý, biết người khác (không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của mình) là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không cho họ thuê, mượn địa điểm, nhưng lại để mặc cho họ hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo hướng dẫn tại điểm a,b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 thì khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cũng cần phân biệt như sau:
a. Người có địa điểm cho người khác mượn hoặc thuê địa điểm mà biết là họ dùng địa điểm đó không phải để họ sử dụng chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy, mà dùng địa điểm đó để đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 197 của BLHS.
b. Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma túy, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 199 của BLHS. Tuy nhiên quy định này đã được Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 bãi bỏ.
Tại điểm e Phần II Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của BLHS quy định: Người nào bán trái phép chất ma tuý cho người khác và còn cho họ sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình để họ sử dụng trái phép chất ma tuý, thì ngoài tội mua bán trái phép chất ma tuý, người đó còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý.
Như vậy hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy khác với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ở chỗ: Hành vi tổ chức sử dụng thì người phạm tội phải đứng ra tổ chức, dẫn dắt con nghiện, còn hành vi chứa chấp người sử dụng là chỉ tiếp tay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng ma túy. Vì vậy tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy có thể thực hiện bằng hành động như cho thuê, cho mượn địa điểm…cũng có thể không hành động như biết người khác sử dụng trái phép chất ma túy nhưng làm ngơ, không ngăn cản người khác sử dụng chỗ ở, chỗ làm việc của mình làm chỗ tiên chích, hút, hít chất ma túy…
* Dấu hiệu khách thể của tội phạm: Tội phạm đã xâm phạm chế độ độc quyền của Nhà nước ta về quản lý, sử dụng chất ma túy. Ngoài ra, tội phạm còn xâm hại trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người và lan tràn tệ nạn nghiện ma túy.
* Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý.
Hình phạt: Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy quy định 2 khung hình phạt:
+ Khoản 1: Quy định khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với người phạm tội không có tình tiết tăng nặng tại khoản 2.
+ Khoản 2: Quy định khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Là những người theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội có liên quan trực tiếp đến việc quản lý sử dụng nơi ở, địa điểm hoặc những điều kiện khác đã lợi dụng để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
- Phạm tội 02 lần trở lên: Đây là trường hợp người phạm tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy ít nhất 02 lần nhưng chưa bị xét xử lần nào.
- Đối với người dưới 16 tuổi: Đây là trường hợp người được chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy là người dưới 16 tuổi. Xác định tuổi, căn cứ vào giấy khai sinh của nạn nhân.
- Đối với 02 người trở lên: Đây là trường hợp có ít nhất 02 người được chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy.
- Tái phạm nguy hiểm: Đây là trường hợp phạm tội thỏa mãn các dấu hiệu của tái phạm nguy hiểm được quy định tại Điều 53 BLHS.
+ Khoản 3: Hình phạt bổ sung: Quy định hình phạt bổ sung có thể áp dụng là: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội.
3. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257)
Theo khoản 1 của điều luật, tội cường bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy có các dấu hiệu pháp lý sau:
* Dấu hiệu chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là chủ thể thường, theo quy định của Điều 12 BLHS là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS.
* Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm: Theo quy định của điều luật và tiết 9.1 mục 9 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 hướng dẫn về hành vi khách quan của tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy bao gồm: hành vi buộc người khác phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ bằng một trong những thủ đoạn sau:
+ Thủ đoạn dùng vũ lực: Đây là thủ đoạn dùng sức mạnh vật chất tác động vào người khác như đánh, chém, chói, nhốt, hoặc giữ tay chân để cho chất ma túy vào miệng, mũi, tiêm chất ma túy vào cơ thể để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ.
+ Thủ đoạn đe dọa dùng vũ lực: là thủ đoạn đe dọa sẽ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ.
+ Thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần: Đây là thủ đoạn đe dọa gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín… hoặc có thể khống chế tinh thần người bị đe dọa để ép buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ.
So sánh với quy định tại Điều 200 BLHS năm 1999 cho thấy Điều 257 BLHS năm 2015 đã mô tả các thủ đoạn phạm tội sử dụng để ép buộc người khác sử dụng trái phép chất ma túy thay vì chỉ nhắc lại tội danh như BLHS năm 1999. Đây là một trong những điểm tích cực về kỹ thuật lập pháp của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999.
* Dấu hiệu khách thể của tội phạm: Tội phạm đã xâm phạm chế độ độc quyền của Nhà nước ta về quản lý, sử dụng chất ma túy. Xâm phạm quyền tự do và sức khỏe của con người, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và lan truyền tệ nạn nghiện ma túy.
* Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp.
Hình phạt: Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy định 4 khung hình phạt:
- Khoản 1: Quy định khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội không có tình tiết tăng nặng quy định ở khoản 2,3,4.
- Khoản 2: Quy định khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm được áp dụng cho các trường hợp phạm tội có một trong các tỉnh tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
+ Có tổ chức: Đây là trường hợp có từ hai người trở lên cùng cố ý thực hiện tội phạm có sự phân công trách nhiệm cụ thể tụng người và quyết tâm thực hiện tội phạm.
+ Phạm tội 02 lần trở lên: Là trường hợp người phạm tội cưỡng bức người khác sử dụng trái pháp ma túy ít nhất là 02 lần trở lên (có thể hiểu là đối với cùng một người vì là đối với 02 người khác nhau sẽ thuộc trường hợp đối với 02 người trở lên) và chưa bị xét xử lần nào.
+ Vì động cơ đê hèn hoặc vì vụ lợi: là trường hợp người phạm tội xuất phát từ động cơ thấp hèn như để trả thù bố mẹ hoặc người thân của nạn nhân hoặc để khống chế họ thực hiện tội phạm...; phạm tội vì vụ lợi là trường hợp thực hiện hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy xuất phát từ lợi ích cá nhân người phạm tội như được thuê để thực hiện việc cưỡng bức đó...
+ Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi: là trường hợp nạn nhân của hành vi cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy là người đã đủ 13 tuổi nhưng dưới 18 tuổi. Xác định tuổi, căn cứ vào giấy khai sinh của nạn nhân.
+ Đối với phụ nữ nhưng biết là có thai: là trường hợp nạn nhân của hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là phụ nữ có thai và người phạm tội biết được người này đang mang thai.
+ Đối với 02 người trở lên: là trường hợp có ít nhất 02 nạn nhân bị người phạm tội cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy.
+ Đối với người đang cai nghiện: Đây là trường hợp nạn nhân bị người phạm tội cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy là người đã bị cơ quan có thẩm quyền kết luận họ nghiện ma túy và đang được cai nghiện tại trung tâm cai nghiện, tại gia đình hoặc cộng đồng dân cư (điểm a tiết 6.3 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007).
+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%: Đây là trường hợp nạn nhân bị người phạm tội cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy đã bị tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Căn cứ vào kết luận giám định cơ quan có thẩm quyền.
+ Gây bệnh nguy hiểm cho người khác: là trường hợp nạn nhân bị người phạm tội cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy đã mắc bệnh của họ như nhiễm HIV/AIDS, viêm gan B; vi rút COVID-19...và việc mắc bệnh này được coi là do bị cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy gây ra.
+ Tái phạm nguy hiểm: là trường hợp người phạm tội trước đây đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội. Hoặc trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội này. Theo quy định tại Điều 53 BLHS.
- Khoản 3: Quy định khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội có một trong những tình tiết tăng nặng sau:
+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người: là trường hợp nạn nhân bị người phạm tội cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy đã bị tổn hại sức khỏe do sử dụng ma túy với tổn thương cơ thể từ 61% trở lên (căn cứ vào kết quả giám định của cơ quan có thẩm quyền) hoặc đã bị chết.
+ Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên: là trường hợp có ít nhất 02 nạn nhân bị người phạm tội cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy đã mắc bệnh do sử dung trái phép chất ma túy và bệnh đó đe dọa tính mạng của họ như bị nhiễm HIV/AIDS, viêm gan B, vi rút COVD-19... và việc mắc bệnh này được coi là hành vi cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy gây ra.
+ Đối với người dưới 13 tuổi: là trường hợp nạn nhân bị người cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy là người dưới 13 tuổi.
- Khoản 4: Quy định khung hình phạt tăng nặng thứ 3 có mức phạt từ từ 20 năm hoặc tù chung thân được áp dụng cho trường hợp phạm tội có ít nhất 02 nạn nhân bị người phạm tội cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy bị chết do sử dụng trái phép chất ma túy gây ra.
- Khoản 5: Hình phạt bổ sung: Quy định hình phạt bổ sung có thể áp dụng là: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
4. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258)
Theo khoản 1 của điều luật, tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy có các dấu hiệu pháp lý sau:
* Dấu hiệu chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là chủ thể thường, theo quy định của Điều 12 BLHS là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS.
* Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm: Theo quy định của điều luật và tiết 9.2 mục 9 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 hướng dẫn về hành vi khách quan của tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi này được thực hiện qua các thủ đoạn phạm tội như sau:
+ Thủ đoạn rủ rê người khác sử dụng trái phép chất ma túy: Đây là thủ đoạn tác động đến người khác để người này tự nguyện sử dụng trái phép chất ma túy.
+ Thủ đoạn dụ dỗ người khác sử dụng trái phép chất ma túy: Đây là thủ đoạn hứa hẹn làm cho người khác nghe theo mà tự nguyện sử dụng trái phép chất ma túy.
+ Thủ đoạn xúi giục người khác sử dụng trái phép chất ma túy: Là thủ đoạn kích động, thúc đẩy người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
+ Thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy: Là thủ đoạn khêu gợi sự ham muốn của người khác sử dụng trái phép chất ma túy như cho xem phim, ảnh, xem trực tiếp người khác sử dụng ma túy, tuyên truyền, bịa đặt những cảm giác hấp dẫn khi sử dụng ma túy... để họ tò mò, ham muốn sử dụng ma túy. Ngoài ra còn đánh lừa cho vào thuốc là, cho vào kẹo, cà phê... để người khác không biết mà sử dụng chất ma túy dẫn đến nghiện thì người có hành vi đó phạm lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy.
Lưu ý: Tại điểm g Phần II Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của BLHS 1999 quy định: “Người nào nghiện ma tuý rủ người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc cùng đi mua chất ma tuý để cùng sử dụng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuỳ từng trường hợp mà họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý hoặc tội sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Hành vi khách quan của tội phạm này và hành vi khách quan của tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy có điểm chung là đã dẫn đến người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Điểm khác của hai tội này là về thái độ của người sử dụng trái phép chất ma túy. Ở tội này, bị lôi kéo tự nguyện sử dụng trái phép chất ma túy còn ở tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy, nạn nhân bị ép buộc phải sử dụng trái phép chất ma túy ngoài ý muốn của họ.
So sánh với Điều 200 BLHS năm 1999 cho thấy Điều 258 BLHS năm 2015 đã mô tả cụ thể các thủ đoạn phạm tội được sử dụng để lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là một trong những điểm tích cực về kỹ thuật lập pháp của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999. Ngoài ra, do đã tội phạm hóa bổ sung hành vi xúi giục sử dụng trái phép chất ma túy nên BLHS năm 2015 còn khắc phục được một phần hạn chế của BLHS năm 1999 trong việc tội phạm hóa hành vi bị nghiêm cấm trong Luật phòng, chống ma túy.
* Dấu hiệu khách thể của tội phạm: Tội phạm đã xâm phạm chế độ độc quyền của Nhà nước ta về quản lý, sử dụng chất ma túy. Ngoài ra, tội phạm còn xâm hại trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người và lan tràn tệ nạn nghiện ma túy.
* Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp.
Hình phạt: Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý quy định 4 khung hình phạt:
- Khoản 1: Quy định khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội không có tình tiết tăng nặng quy định ở khoản 2,3 và 4.
- Khoản 2: Quy định khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm được áp dụng cho các trường hợp phạm tội có một trong các tỉnh tiết định khung hình phạt tăng nặng sau: (Tương tự như các tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 257 tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép ma túy)
+ Có tổ chức: Đây là trường hợp có từ hai người trở lên cùng cố ý thực hiện tội phạm có sự câu kết chặt chẽ, phân công trách nhiệm cụ thể từng người và quyết tâm thực hiện tội phạm.
+ Phạm tội 02 lần trở lên: Là trường hợp người phạm tội lôi kéo người khác sử dụng trái pháp ma túy ít nhất là 02 lần trở lên (có thể hiểu là đối với cùng một người vì là đối với 02 người khác nhau sẽ thuộc trường hợp đối với 02 người trở lên và chưa bị xét xử lần nào.
+ Vì động cơ đê hèn hoặc vì vụ lợi: Theo điểm a tiết 9.3 mục 9 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT là trường hợp người phạm tội xuất phát từ động cơ thấp hèn như để trả thù bố mẹ hoặc người thân của nạn nhân hoặc để khống chế họ thực hiện tội phạm...; phạm tội vì vụ lợi là trường hợp thực hiện hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy xuất phát từ lợi ích cá nhân người phạm tội như được thuê để thực hiện việc lôi kéo đó...
+ Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi: là trường hợp nạn nhân của hành vi bị lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy là người đã đủ 13 tuổi nhưng dưới 18 tuổi.
+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai: là trường hợp nạn nhân của hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy là phụ nữ có thai và người phạm tội biết được người này đang mang thai.
+ Đối với 02 người trở lên: là trường hợp có ít nhất 02 nạn nhân bị người phạm tội lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy.
+ Đối với người đang cai nghiện: Đây là trường hợp nạn nhân bị người phạm tội lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy là người đã bị cơ quan có thẩm quyền kết luận họ nghiện ma túy và đang được cai nghiện tại trung tâm cai nghiện, tại gia đình hoặc cộng đồng dân cư (theo điểm a, tiết 6.3 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007).
+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%: Đây là trường hợp nạn nhân bị người phạm tội lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy đã bị tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Căn cứ vào kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền.
+ Gây bệnh nguy hiểm cho người khác: là trường hợp nạn nhân bi người phạm tội lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy đã mắc bệnh của họ như nhiễm HIV/AIDS, viêm gan B; vi rút COVD-19...và việc mắc bệnh này được coi là do bị lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy gây ra.
+ Tái phạm nguy hiểm: là trường hợp người phạm tội trước đây đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội. Hoặc trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội này. Quy định tại Điều 53 BLHS.
- Khoản 3: Quy định khung hình phạt thứ hai có mức phạt tù từ 10 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội có một trong những tình tiết tăng nặng sau: (các tình tiết tăng nặng tại khoản này cũng tương tự như khoản 3 Điều 257, tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy)
+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người: là trường hợp nạn nhân bị người phạm tội lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy đã bị tổn hại sức khỏe do sử dụng chất ma túy với tổn thương cơ thể từ 61% trở lên (căn cứ vào kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền) hoặc đã bị chết.
+ Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên: là trường hợp có ít nhất 02 nạn nhân bị người phạm tội lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy đã mắc bệnh do sử dung trái phép chất ma túy và bệnh đó đe dọa tính mạng của họ như bị nhiễm HIV/AIDS, viêm gan B, vi rút COVD-19... và việc mắc bệnh này được coi là hành vi lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy gây ra.
+ Đối với người dưới 13 tuổi: là trường hợp nạn nhân bị người khác lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy là người dưới 13 tuổi.
- Khoản 4: Quy định khung hình phạt tăng nặng thứ 3 có mức phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân được áp dụng cho trường hợp phạm tội có ít nhất 02 nạn nhân bị người phạm tội lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy bị chết do sử dụng trái phép chất ma túy gây ra.
- Khoản 5: Hình phạt bổ sung: Quy định hình phạt bổ sung có thể áp dụng là: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
II. Những hạn chế, vướng mắc trong xét xử các tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy; tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
1- Xác định như thế nào là “người nghiện ma tuý” để loại trừ trách nhiệm hình sự trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo quy định tại điểm a, tiết 6.2 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 quy định: “Người nghiện ma tuý có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma tuý do đâu mà có) cho người nghiện ma tuý khác chất ma tuý để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, mà tuỳ từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý hoặc tội sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Như hướng dẫn trên, chúng ta thấy có thể xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm nếu như trong hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nếu người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thực tế không nghiện ma túy nhưng khi bị bắt lại tự nhận mình là người nghiện ma túy thì họ sẽ không phạm tội tổ chức trái phép chất ma túy. Căn cứ vào lời khai của người bị bắt, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ coi đó là căn cứ để không khởi tố về hành vi trên. Hướng dẫn như vậy, rất khó để xử lý bằng hình sự đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Theo chúng tôi, bất cứ người nào có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, lôi kéo người sử dụng trái phép chất ma túy thì đều phải xử lý bằng pháp luật hình sự, chứ không cần phân biệt họ có là người nghiện ma túy hay không nghiện ma túy. Theo chúng tôi, cần bỏ hướng dẫn tại điểm a, tiết 6.2 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 quy định như chúng tôi đã phân tích ở trên.
Tương tự như tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đối với tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy cũng cần đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao bỏ hướng dẫn tại điểm g Phần II Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số quy định của BLHS quy định “Người nào nghiện ma tuý rủ người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc cùng đi mua chất ma tuý để cùng sử dụng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuỳ từng trường hợp mà họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý hoặc tội sử dụng trái phép chất ma tuý”.
2. Hướng dẫn xác định hành vi phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Tại điểm b, tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT quy định: “Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma túy, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 199 của BLHS”. Quy định này tại Thông tư đã được Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 bãi bỏ. Tuy nhiên quy định tương tự như trên tại điểm đ Phần II Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của BLHS 1999 quy định: “Người nào nghiện ma tuý cho người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý”. Cùng một nội dung đã được hướng dẫn ở hai văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Đến nay hướng dẫn tại điểm b, tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT đã bị Thông tư liên tịch số 08/2015 bãi bỏ, còn hướng dẫn tại điểm đ Phần II Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP vẫn còn hiệu lực pháp luật, chưa được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sửa đổi. Do vậy cũng gây khó khăn cho những người tiến hành tố tụng trong vấn đề nhận thức về hành vi như trên là có tội hay không có tội?
Ví dụ: Ngày 20/10/2019, Trần Văn A, sinh năm 1990 đang sử dụng ma tuý tại nhà mình (nhà của A do A quản lý) thì có 03 bạn nghiện đến chơi, thấy A có ma tuý và các dụng cụ sử dụng ma tuý ở đó nên 03 đối tượng này cùng vào sử dụng với A, A đồng ý cho tất cả cùng sử dụng ma tuý. Sau khi sử dụng ma tuý xong thì các đối tượng này bị lực lượng Công an vào bắt quả tang, thu giữ các dụng cụ sử dụng ma tuý và các mảnh giấy bạc (theo giám định là có bám dính ma tuý MDMA - không xác định được khối lượng vì còn quá ít).
Với nội dung trên, có hai quan điểm khác nhau về định tội danh đối với Trần Văn A:
* Quan điểm thứ nhất: Trần Văn A đã đủ yếu tố cấu thành tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý theo Điều 256 Bộ luật hình sự năm 2015. Vì theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT thì hành vi của A không phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, vì A là người nghiện ma tuý và cùng cho người khác sử dụng tại nhà mình. Tuy nhiên tại Điều 3 Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT đã bãi bỏ điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT. Do đó trong trường hợp của A ta chỉ cần đối chiếu với hành vi của A với quy định tại Điều 256 Bộ luật hình sự năm 2015 thì đã cấu thành tội phạm. Do đó hành vi nêu trên của A đã phạm vào tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý theo điểm d khoản 2 Điều 256 Bộ luật hình sự năm 2015.
* Quan điểm thứ 2: Trần Văn A không phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Bởi lẽ: theo điểm đ Phần II Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi của A không phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, vì A là người nghiện ma tuý và cùng cho người khác sử dụng tại nhà mình. Mặc dù Thông tư số 08/2015/TTLT đã bãi bỏ quy định về nội dung được quy định tại điểm b, tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư số 17, nhưng Nghị quyết 02/2003/HĐTP vẫn còn giá trị pháp lý chưa được Hội đồng thẩm phán TANDTC sửa đổi. Như vậy, việc áp dụng pháp luật trong xét xử cần nghiên cứu vận dụng theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2003/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Từ phân tích ở trên, để thống nhất áp dụng pháp luật đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sửa đổi Nghị quyết số 02/2003/HĐTP ngày 17/4/2003 theo hướng bỏ quy định tại điểm đ Phần II của Nghị quyết.
Trên đây là quy định của pháp luật Việt Nam và những hạn chế, vướng mắc trong công tác xét xử các tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy, tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.