DỰ THẢO LẦN 2 | | Những từ in nghiêng là những ý kiến góp ý được tiếp thu chỉnh lý |
QUY ĐỊNH
Về xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức và người lao động
trong các Tòa án nhân dân
(Ban hành kèm theo Quyết định số ..../QĐ-TANDTC ngày .../.../2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này điều chỉnh về việc xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp trong cơ quan Tòa án nhân dân có hành vi thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Tòa án nhân dân nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật. Trừ người giữ chức danh tư pháp là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Quy định này điều chỉnh về việc xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong các Tòa án nhân dân có hành vi thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm pháp luật, quy chế, quy định của Tòa án nhân dân nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Trường hợp vi phạm chưa được quy định tại Quy định này thì căn cứ vào quy định tương ứng của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ luật lao động, Luật tổ chức Tòa án nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành để xử lý.
4. Quy định này không áp dụng đối với hệ thống Tòa án quân sự các cấp.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Người giữ chức danh tư pháp trong cơ quan Tòa án nhân dân bao gồm Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký.
2. Bản án, quyết định bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán là bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên hủy hoặc sửa do vi phạm các quy định của pháp luật tố tụng; đánh giá chứng cứ không đúng, kết luận trong bản án, quyết định không đúng với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc; áp dụng sai pháp luật dẫn đến việc quyết định không đúng.
3. Bản án, quyết định bị hủy, bị sửa do yếu tố khách quan là bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên hủy vì có những tình tiết mà trong quá trình giải quyết Thẩm phán không biết; do pháp luật quy định quyền được thay đổi yêu cầu của người tham gia tố tụng mà việc thay đổi đó là căn cứ để hủy, sửa bản án, quyết định; sau khi xét xử phát sinh những tình tiết mới làm thay đổi nội dung của vụ án; hoặc những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
4. Xử lý trách nhiệm là biện pháp xử lý người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân có hành vi sai sót do thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Tòa án nhân dân khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị là hình thức xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân có hành vi sai sót do thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy định của pháp luật quy chế, quy định của Tòa án nhân dân khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ; trong đó người bị kiểm điểm phải tự đánh giá, nhận xét về những hành vi sai sót của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao trước cơ quan, đơn vị mình công tác; tập thể cơ quan, đơn vị đánh giá, góp ý, nhận xét hoặc phê bình để người bị kiểm điểm rút ra những bài học kinh nghiệm và giải pháp khắc phục sai sót.
6. Tạm dừng thực hiện nhiệm vụ là hình thức xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân có nhiều hành vi sai sót do thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Tòa án nhân dân khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Người bị tạm dừng thực hiện nhiệm vụ trong thời gian nhất định phải tự rèn luyện, trau dồi nghiệp vụ hoặc phải được cử đi học chương trình bồi dưỡng, bổ sung kiến thức nghiệp vụ chuyên môn theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao.
7. Dừng thực hiện nhiệm vụ là hình thức xử lý trách nhiệm đối với Thẩm phán có nhiều hành vi sai sót do thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Tòa án nhân dân khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Thẩm phán bị dừng thực hiện nhiệm vụ cho đến hết nhiệm kỳ phải tự rèn luyện, trau dồi nghiệp vụ và phải được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao.
8. Tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán là hình thức xử lý trách nhiệm áp dụng đối với Thẩm phán khi kết thúc nhiệm kỳ có nhiều hành vi sai sót trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Thẩm phán bị tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại phải tự kiểm điểm bản thân, trau dồi nghiệp vụ và phải được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử của Thẩm phán theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao. Chỉ được bổ nhiệm lại khi đã tốt nghiệp chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử.
9. Không đề nghị bổ nhiệm lại là hình thức xử lý trách nhiệm áp dụng đối với Thẩm phán khi kết thúc nhiệm kỳ có rất nhiều hành vi sai sót gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân mà Tòa án phải bồi thường, hoặc làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Tòa án, niềm tin của nhân dân.
10. Thiếu trách nhiệm là việc công chức, viên chức, người lao động trong các Tòa án nhân dân thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao không đầy đủ; không thực hiện đúng nguyên tắc, chế độ, thủ tục, quy trình, quy phạm; không đúng tiêu chuẩn, điều kiện hoặc thời gian theo quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Toà án nhân dân về công việc cụ thể đó.
11. Hành vi sai sót của Thẩm phán xảy ra trước năm công tác: Năm công tác của Tòa án nhân dân bắt đầu từ ngày 01/10 năm trước đến 30/9 của năm sau. Thẩm phán có hành vi sai sót trước đây nhưng tại năm công tác hoặc nhiệm kỳ hiện tại mới phát hiện và hành vi sai sót đó chưa bị xử lý bằng một hình thức trách nhiệm thì hành vi sai sót đó được tính là hành vi xảy ra tại năm công tác hoặc nhiệm kỳ hiện tại của Thẩm phán.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý trách nhiệm, kỷ luật
1. Kịp thời, khách quan, công bằng, nghiêm minh và đúng pháp luật.
2. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật, quy chế, quy định của Tòa án nhân dân chỉ bị xử lý bằng một hình thức kỷ luật.
3. Công chức, viên chức và người lao động có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, quy chế, quy định của Tòa án nhân dân hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và chịu hình thức kỷ luật năng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.
4. Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của công chức, viên chức, người lao động có hành vi sai sót, vi phạm pháp luật, quy chế, quy định của Tòa án nhân dân là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức xử lý trách nhiệm, kỷ luật.
5. Không áp dụng hình thức xử lý trách nhiệm hoặc xử phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật.
6. Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác của công chức, viên chức và người lao động trong quá trình xử lý trách nhiệm, kỷ luật.
Điều 4. Các hình thức, hậu quả của việc xử lý trách nhiệm
1. Người có chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân có những hành vi sai sót trong khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật thì có thể xử lý trách nhiệm bằng các hình thức sau:
a) Kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị;
b) Tạm dừng thực hiện nhiệm vụ;
c) Dừng việc thực hiện nhiệm vụ;
d) Tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán;
đ) Không đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán.
2. Hậu quả của việc xử lý trách nhiệm
a) Người bị xử lý bằng một trong các hình thức trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều này không được xem xét, đề nghị người có thẩm quyền khen tặng danh hiệu thi đua từ “Lao động tiên tiến” trở lên trong năm công tác;
b) Người bị xử lý trách nhiệm bằng một trong các hình thức quy định tại Điểm b, c, d, đ Khoản 1 Điều này, ngoài chịu hậu quả quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm phải chịu các hậu quả khác như: Không được xem xét quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thời gian bị xử lý trách nhiệm; không được xem xét cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị hoặc các hình thức đào khác ở trong nước và nước ngoài trong thời gian bị xử lý trách nhiệm; không được xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý; không được tham gia kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán, kỳ thi chuyển ngạch, nâng ngạch đối với Thư ký, Thẩm tra viên trong thời gian bị xử lý trách nhiệm; hoặc bị bố trí làm công việc khác.
c) Người bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ; dừng thực hiện nhiệm vụ hoặc tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán có thời hạn trên 01 năm thì bên cạnh việc chịu hậu quả của việc xử lý trách nhiệm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, còn phải tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao.
d) Đối với Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại. Sau khi hết thời hạn tạm dừng phải có bản tự kiểm điểm đánh giá kết quả rèn luyện, học tập; nhận xét của thủ trưởng đơn vị quản lý. Căn cứ kết quả kiểm điểm của Thẩm phán, Vụ Tổ chức cán bộ và Ban Thanh tra phối hợp thẩm tra hồ sơ, trình Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia xem xét, quyết định.
đ) Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán; hoặc bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức kỷ luật quy định tại Điều 8 Quy định này, khi kết thúc nhiệm kỳ Thẩm phán tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; thái độ khắc phục sửa chữa có thể bị xem xét, không đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán.
e) Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức không đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán thì được bố trí làm công việc khác.
Điều 5. Thẩm quyền xử lý trách nhiệm
1. Trường hợp Thẩm phán giữ chức chức vụ lãnh đạo, quản lý là Chánh án, thì Chánh án Tòa án cấp trên quản lý trực tiếp có trách nhiệm xử lý và quyết định hình thức xử lý trách nhiệm.
2. Đối với Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khác hoặc Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, bổ nhiệm (chức vụ) hoặc được phân cấp quản lý tiến hành xử lý trách nhiệm và quyết định hình thức xử lý trách nhiệm.
3. Trường hợp Thẩm phán có hành vi sai sót bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại hoặc không đề nghị bổ nhiệm lại thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia xem xét, quyết định.
4. Đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký biệt phái, thì người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý trách nhiệm, quyết định hình thức trách nhiệm và gửi hồ sơ, quyết định xử lý trách nhiệm về cơ quan quản lý Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký biệt phái.
5. Đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký đã chuyển công tác mới phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, quy chế, quy định của Tòa án, thì người đứng đầu cơ quan quản lý Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký trước đây tiến hành xử lý trách nhiệm, quyết định hình thức trách nhiệm và gửi hồ sơ, quyết định xử lý trách nhiệm về cơ quan đang quản lý Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký.
6. Các vi phạm của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký trong khi thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; việc thực hiện quy tắc ứng xử, tác phong, đạo đức, lối sống được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc qua đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng thì Ban Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao; đơn vị thực hiện chức năng thanh tra – tổ chức tại Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét xử lý trách nhiệm.
Điều 6. Trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị và tạm dừng, dừng thực hiện nhiệm vụ
1. Người có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Quy định này chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp để người có hành vi sai sót tự kiểm điểm và nhận hình thức trách nhiệm. Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành như sau:
a) Trường hợp cơ quan sử dụng người giữ chức danh tư pháp có đơn vị trực thuộc thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm với thành phần dự họp bao gồm đại diện lãnh đạo chính quyền, cấp ủy, công đoàn của cơ quan sử dụng người giữ chức danh tư pháp và toàn thể công chức, viên chức, người lao động của đơn vị trực thuộc. Biên bản cuộc họp kiểm điểm ở đơn vị trực thuộc được gửi đến người đứng đầu cơ quan sử dụng người giữ chức danh tư pháp;
b) Trường hợp cơ quan sử dụng người giữ chức danh tư pháp không có đơn vị trực thuộc thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm với thành phần dự họp là toàn thể công chức, viên chức và người lao động của cơ quan sử dụng người giữ chức danh tư pháp.
2. Đối với người đứng đầu có hành vi sai sót thì người đứng đầu cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.
3. Người có hành vi sai sót phải làm bản tự kiểm điểm, trong đó tự nhận hình thức trách nhiệm. Trường hợp người có hành vi sai sót vắng mặt sau 02 lần thông báo triệu tập mà không có lý do chính đáng thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành. Trường hợp người bị kiểm điểm vắng mặt thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức cuộc họp kiểm điểm biên bản cuộc họp phải được gửi cho người bị kiểm điểm.
4. Nội dung các cuộc họp kiểm điểm người có hành vi sai sót quy định tại Điều này phải được lập thành biên bản. Biên bản các cuộc họp kiểm điểm phải có kiến nghị áp dụng hình thức xử lý trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, biên bản cuộc họp kiểm điểm của cơ quan sử dụng công chức phải được gửi đến người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm theo quy định tại Điều 5 của Quy định này.
5. Việc xử lý trách nhiệm đối với người có hành vi sai sót phải được thể hiện bằng văn bản.
Điều 7. Trình tự thủ tục xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại hoặc không đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán
1. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng Thẩm phán tổ chức cuộc họp kiểm điểm. Thành phần tham dự bao gồm tập thể lãnh đạo, đại diện cấp ủy, công đoàn của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng Thẩm phán. Thẩm phán có hành vi vi phạm đọc bản tự kiểm điểm; cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng Thẩm phán nhận xét, đánh giá về tính chất, mức độ hành vi vi phạm của Thẩm phán, đề nghị thời gian tạm dừng đề nghị bổ nhiệm lại hoặc k